Lượt xem: 153

Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo

Tại thành phố Cần Thơ vừa diễn ra Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang nóng lên không ngừng.

 


Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Sóc Trăng tham gia Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo

 

    Hội nghị đã thu hút khoảng gần 200 đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương; Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tham dự. Về phía tỉnh Sóc Trăng có đại diện một số ngành tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu trong tỉnh.

    Diễn biến của thị trường gạo xuất khẩu cho thấy, đến hết tháng 7 vừa qua, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp... Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.

    Sản xuất trong nước và diễn biến xuất khẩu gạo Việt Nam thuận lợi. Tuy nhiên, diễn biến trên thế giới cho thấy đến giữa tháng 7 năm nay, thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp. Sau Ấn Độ, UAE cũng vừa thông báo dừng xuất khẩu gạo. Nga cũng chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang nóng lên không ngừng.

    Theo kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2023, cả nước gieo cấy trên 7 triệu ha với sản lượng 43 triệu tấn thóc. Lượng xuất khẩu có thể đạt trên 7,5 triệu tấn nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Việt Nam sẽ nỗ lực hết mức, tận dụng thời cơ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuận lợi nhất; thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo cho người dân ở mức có lợi nhất. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

    Đối với Sóc Trăng diện tích gieo trồng toàn tỉnh luôn trên 300.000ha lúa, sản lượng luôn hơn 2 triệu tấn. Trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đạt hơn 1,53 triệu tấn, chiếm 74,3% tổng sản lượng; riêng lúa đặc sản, lúa thơm các loại hơn 1,1 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 53,4%. Đây cũng là cơ sở để tỉnh có nguồn cung dồi dào cho các doanh nghiệp xuất khẩu và là cơ hội để giá lúa thu mua của người dân có thể tăng lên trong vụ Hè Thu này. Hiện tỉnh Sóc Trăng đã và đang tiếp tục nâng cao hình thức sản xuất nông nghiệp nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn có chất lượng và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn. Riêng xuất khẩu gạo của Sóc Trăng trong nửa đầu năm nay có nhiều thuận lợi, mặc dù giá lúa gạo thu mua có tăng, nhưng giá xuất cũng tăng mạnh nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao. Trong 7 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt giá trị 236 triệu USD, tăng 12,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công thương tỉnh và các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo của tỉnh Sóc Trăng cho rằng, trong những tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu gạo có thể còn tăng trưởng mạnh cả về giá cũng như sản lượng.

Thanh Khiết



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 84
  • Hôm nay: 382
  • Trong tuần: 70,809
  • Tất cả: 11,802,816